Câu chuyện chung
Không riêng tại Việt Nam, DNBH tại các nền kinh tế mới nổi đều xác định minh bạch thông tin là mục tiêu hướng tới. Tại Ấn Độ, kể từ ngày 1/4/2016, các quy định mới về công bố thông tin chính thức có hiệu lực đối với các DNBH tại thị trường này.
Theo đó, các DNBH phi nhân thọ phải đối mặt với yêu cầu công bố thông tin theo từng phân khúc thị trường nhằm đảm bảo rằng không có trợ cấp chéo giữa các sản phẩm với nhau; điều này sẽ dẫn đến việc tăng cường kiểm soát khống chế hành vi giảm phí trong các mảng nghiệp vụ như bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm sức khỏe theo nhóm. DNBH thuộc mảng nhân thọ được yêu cầu phải công bố thông tin chi tiết hơn về lợi suất đầu tư trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bán cho khách hàng.
Cục Quản lý phát triển bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI) đã thành lập một ủy ban nhằm xem xét lại các quy định về bảo hiểm nhân thọ, đồng thời đề xuất yêu cầu tăng cường minh bạch về công bố thông tin đối với sản phẩm tại các điểm bán hàng.
DNBH Việt nỗ lực minh bạch
Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, các DNBH thuộc diện công ty đại chúng đang chịu những ràng buộc trong công bố thông tin theo quy định mang tính chuyên ngành của lĩnh vực bảo hiểm, bên cạnh những quy định dành cho công ty đại chúng, có thể kể đến như Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng… Trong đó, một số quy định đang dần tiềm cận với chuẩn quốc tế.
Hiện có 7 DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm đang niêm yết trên sàn chứng khoán, đó là Tập đoàn Bảo Việt, CTCP PVI (PVI Holdings), Bảo Minh, PJICO, PTI, BIC và VINARE.
Trong số đó, Tập đoàn Bảo Việt đã tiên phong trong áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc theo khuôn khổ báo cáo tích hợp. Tại đây, các thông tin được tích hợp và lượng hóa đến từng chỉ tiêu cụ thể một cách đầy đủ trên các khía cạnh tài chính, quản trị, trách nhiệm môi trường và xã hội.
Bảo Việt cho biết, việc thực hiện báo cáo toàn diện các vấn đề theo định hướng tích hợp đã giúp Tập đoàn kiểm soát tốt các rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp thu hút các nguồn vốn đầu tư và góp phần đảm bảo phát triển trong dài hạn.
Lãnh đạo các DNBH niêm yết đều cho rằng, minh bạch thông tin cùng với việc đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, đi đôi với năng lực quản trị DN giúp giá trị thị trường của cổ phiếu và giá trị DN được nâng cao, mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan.
Mặc dù được coi là dần tiệm cận với chuẩn thế giới nhưng DNBH Việt vẫn cần thêm nhiều thời gian để có thể thực hiện đẩy đủ thông lệ quốc tế về công bố thông tin. Chẳng hạn, theo tiêu chí công bố thông và minh bạch tại Chương trình thẻ điểm quản trị khu vực ASEAN, DN phải công bố phí kiểm toán, ý kiến của chuyên gia phân tích, công ty có quy định giới hạn nhiệm kỳ của thành viên HĐQT độc lập không quá 9 năm, BCTN của DN có lời xác nhận từ HĐQT hoặc ban kiểm soát rằng hệ thống quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả và chính xác… Trong khi đó, những yêu cầu trên khá xa lạ với DN Việt nói chung.
Đối với quy định về số lượng thành viên HĐQT độc lập, Công ty hiện mới chỉ có 2/9 thành viên HĐQT là thành viên độc lập, trong khi theo yêu cầu của Thông tư 121, số thành viên HĐQT độc lập tối thiểu phải là 1/3 và được làm tròn xuống. HĐQT đã tiến hành rà soát các yêu cầu tại Thông tư 121 và sẽ hoàn thiện yêu cầu này trong thời gian sớm nhất có thể.