1. Đóng góp cho nền kinh tế
Năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 81.374 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 68.374 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015), doanh thu từ hoạt động đầu tư đạt 13.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực tái đầu tư trở lại nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế - xã hội Việt Nam.
Năm 2015, tổng số tiền tái đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 152.543 tỷ đồng, tăng gấp 1,93 lần năm 2010 (vượt chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2015 là 1,7 lần) và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 18% so với năm 2014, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 36.406 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 116.137 tỷ đồng.
>> Vai trò quan trọng của bảo hiểm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
Những đóng góp của ngành bảo hiểm trong năm qua
Đặc biệt trong năm qua, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm, dẫn đầu là Prudential với lượng trái phiếu trị giá 3.200 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2015 đã phát hành thành công 6.230 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Mới đây nhất Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ đã đầu tư 3.000 tỷ đồng/3.900 tỷ đồng, chiếm gần 77% tổng khối lượng đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam phát hành trái phiếu kỳ hạn 30 năm, và là cột mốc quan trọng trong sự phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam.
Hơn nữa, các doanh nghiệp bảo hiểm có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Nổi bật là Tập đoàn Bảo Việt – 1 trong 50 doanh nghiệp có thành tựu xuất sắc trong nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng năm qua, toàn Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt (gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên) đã kê khai và nộp cho ngân sách nhà nước gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, gần 1.000 tỷ đồng tiền thuế và nộp cổ tức về cho Nhà nước (Bộ Tài chính và SCIC) là 505 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, tổng số tiền thuế và cổ tức Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước lên đến gần 9.000 tỷ đồng.
2. Bảo vệ tài chính cho người dân
Năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện tốt chức năng là tấm lá chắn tài chính cho người tham gia bảo hiểm trước những rủi ro bất ngờ xảy ra và tối ưu các dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước đạt 21.160 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bồi thường ước đạt 7.983 tỷ đồng và các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bồi thường ước đạt 13.177 tỷ đồng.
3. Tạo công ăn việc làm và góp phần xây dựng các hoạt động xã hội
Năm 2015, ngành bảo hiểm cũng đã tạo công ăn việc làm cho gần 25.000 cán bộ nhân viên và trên 350.000 đại lý bảo hiểm.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp bảo hiểm còn đóng góp tích cực vào các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn giao thông, tài trợ công trình đề phòng hạn chế tai nạn giao thông, xây nhà tình nghĩa, quỹ khuyến học và xây trường lớp, tặng thẻ bảo hiểm y tế…, với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tiêu biểu phải kể đến Prudential tặng miễn phí 5.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Prudential cho gia đình bị tai nạn giao thông. Mới đây nhất Prudential Việt Nam kết hợp cùng với Qũy trái tim nhân ái Báo Hà Nội Mới đã trao tặng 256 thẻ Bảo hiểm y tế cho các học sinh nghèo ở huyện Sóc Sơn và Ứng Hòa, Hà Nội.
Bảo Việt đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội tại Hà Giang. Bảo Việt Nhân thọ đồng hành cùng “Cuộc thi giải toán trên internet – ViOlympic”, tặng xe đạp cho trẻ em hiếu học...
Ngoài ra, Manulife hỗ trợ trẻ em nghèo bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Dai-ichi tặng học bổng cho những trẻ em nghèo gặp khó khăn hay khám chữa bệnh miễn phí và trao quà cho người dân gặp lũ lụt, thiên tai...
Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã tích cực triển khai bảo hiểm thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước như: bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm tàu và thuyền viên khai thác hải sản xa bờ, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm nông nghiệp…
Không chỉ thế mà các doanh nghiệp bảo hiểm còn rất nhiều đóng góp khác nữa, những kết quả trên phần nào khẳng định thêm vai trò quan trọng của ngành bảo hiểm với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước Việt Nam.
Theo thị trường tài chính Việt Nam