Đầu tư vào trái phiếu, nhất là trái phiếu Chính phủ, đang chiếm 70 - 80% trong cơ cấu danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ; tại một số doanh nghiệp, tỷ trọng này còn lớn hơn.
Prudential Việt Nam là công ty bảo hiểm tiên phong mua 500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 nămPrudential Việt Nam là công ty bảo hiểm tiên phong mua 500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2015, tổng số tiền đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng 72,2% đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, trong đó 80% số tiền đầu tư vào trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn trên 5 năm. Trong năm 2015, lần đầu tiên, Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm, 30 năm và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm với số tiền 6.230 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm với số tiền 3.900 tỷ đồng.

Được biết, Prudential Việt Nam, sau khi tiên phong mua 500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm trong đợt phát hành đầu tiên vào cuối năm 2015, công ty này thông báo sẽ mua thêm 5.500 tỷ đồng trong năm 2016, nâng tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm lên 6.000 tỷ đồng. Và tính đến 31/10/2016, Prudential Việt Nam đã hoàn tất việc mua trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm lên 6.000 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 7/2015, Prudential có mức đầu tư 3.200 tỷ đồng vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm. 

Năm 2015, AIA đầu tư 1.370 tỷ đồng vào trái phiếu Chính phủ. Mua trái phiếu nói chung và trái phiếu Chính phủ nói riêng là một phần trong chiến lược đầu tư của AIA tại Việt Nam. 

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư vào nền kinh tế quốc dân 126.833 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận đầu tư, trong đó chi trả bảo tức cho người tham gia bảo hiểm tối thiểu bằng 70% số tiền phí bảo hiểm đầu tư tài chính. Đặc biệt, danh mục đầu tư trung và dài hạn có tỷ trọng tăng nhanh. 

Bà Trần Thị Kim Cương, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Manulife Việt Nam cho biết, trong năm 2016, Công ty đầu tư phần lớn vào trái phiếu Chính phủ. Tính đến cuối tháng 10/2016, tổng giá trị danh mục đầu tư của Manulife Việt Nam là gần 15.000 tỷ đồng, trong đó hơn 90% đầu tư vào trái phiếu.

Manulife Việt Nam sẽ tiếp tục xem trái phiếu Chính phủ là trọng tâm đầu tư trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Theo bà Kim Cương, với quan điểm đầu tư thận trọng nhằm đảm bảo lợi ích cho các chủ hợp đồng bảo hiểm, trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản đầu tư của Manulife Việt Nam, các loại tài sản khác như tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu, bất động sản... chiếm tỷ trọng nhỏ và Công ty chỉ đầu tư vào những tài sản này khi đảm bảo cân bằng được giữa hai yếu tố rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng. Hơn nữa, chủ hợp đồng khi tham gia bảo hiểm dù là bảo hiểm truyền thống hay bảo hiểm có yếu tố đầu tư, thì yếu tố phòng ngừa rủi ro vẫn được Công ty đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến yếu tố đầu tư.

“Manulife Việt Nam là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư từ năm 2008 và hiện đang có kế hoạch cơ cấu lại các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn, qua đó mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho khách hàng”, bà Kim Cương chia sẻ.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó có quy định về đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm. 

Quy định này có nhiều điểm mới so với trước và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như quy định thêm các loại trái phiếu khác ngoài trái phiếu Chính phủ mà doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được đầu tư không hạn chế như trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, hoặc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được đầu tư vào chứng chỉ quỹ, góp vốn vào doanh nghiệp khác.

Bà Kim Cương cho rằng, những thay đổi này giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ linh hoạt hơn trong việc xây dựng các phương án đầu tư và đa dạng hoá các sản phẩm bảo hiểm/bảo hiểm liên kết đầu tư nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

 
Top