Cánh cửa thị trường đã mở rộng
Khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường trong các phân ngành dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm y tế), bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm, trung gian bảo hiểm (môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm), các dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm (tư vấn, dịch vụ tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường).
Các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm nước ngoài được quyền hiện diện ở Việt Nam dưới các hình thức: văn phòng đại diện (không được phép kinh doanh sinh lời trực tiếp), liên doanh với đối tác Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chi nhánh (sau ngày 1/1/2012 và chi nhánh chỉ cung cấp dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ).
Các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có hiện diện thương mại (văn phòng đại diện, chi nhánh, liên doanh, doanh nghiệp con) tại Việt Nam được quyền cung cấp các dịch vụ bảo hiểm sau cho khách hàng tại Việt Nam: dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho khách hàng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam; dịch vụ tái bảo hiểm; dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế (vận tải biển, vận tải hàng không quốc tế, hàng hóa đang vận chuyển quá cảnh quốc tế); dịch vụ môi giới bảo hiểm, môi giới tái bảo hiểm; các dịch vụ môi giới, tư vấn, tính toán, đánh giá rủi ro, giải quyết bồi thường.
Việt Nam không hạn chế loại doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu theo đường biển đi hoặc đến Việt Nam. Vì vậy, chủ hàng Việt Nam có thể mua bảo hiểm cho hàng hóa của mình tại các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam hay các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài (dù họ không có hiện diện tại Việt Nam).
Việt Nam cam kết không có hạn chế đối với việc tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm. Vì vậy, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam ra nước ngoài hoạt động, học tập, lao động, hoạt động kinh doanh có quyền mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Đối với hoạt động tái bảo hiểm, Việt Nam không đưa ra hạn chế nào đối với hoạt động tái bảo hiểm (kể cả tái bảo hiểm ra nước ngoài) của các hiện diện thương mại của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm ở Việt Nam (chi nhánh, liên doanh, công ty con). Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, hay chi nhánh của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, không bắt buộc phải tái bảo hiểm với bất kỳ một doanh nghiệp cụ thể nào của Việt Nam, mà có thể trực tiếp tái bảo hiểm toàn bộ với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Với các cam kết khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong lĩnh vực bảo hiểm, Việt Nam cam kết tự do hóa cả 4 phương thức bao gồm: cung cấp dịch vụ qua biên giới (phương thức 1), tiêu dùng ngoài lãnh thổ (phương thức 2), hiện diện thương mại (phương thức 3), hiện diện thể nhân (phương thức 4).
Các quy định quản lý được điều chỉnh và dần tiệm cận chuẩn mực quốc tế
Các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm như Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, thay thế các nghị định hướng dẫn luật trước đó, với những quy định vừa đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh.
Hiện bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam có 29 công ty bảo hiểm, gồm 2 công ty do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, 18 công ty liên doanh, 9 công ty 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra, có 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tại Việt Nam hiện có 18 công ty, trong đó chỉ có 1 công ty Việt Nam, còn lại 17 công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
Các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm, chuyên gia tính toán dự phòng bảo hiểm, các quy định về dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán, hoạt động đầu tư… dần được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiêu chuẩn quản lý quốc tế.
Các hoạt động hội nhập của cơ quan quản lý và Hiệp hội Bảo hiểm
Cơ quan quản lý bảo hiểm (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính) và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng tích cực tham gia các tổ chức và diễn đàn bảo hiểm của khu vực và thế giới.
Hiện tại, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã là thành viên của Hiệp hội Các nhà quản lý, giám sát bảo hiểm quốc tế (IAIS). Hiệp hội này được thành lập năm 1994, với sự tham gia của các cơ quan giám sát, quản lý bảo hiểm của 140 quốc gia.
Từ năm 1999, IAIS có thêm các quan sát viên là những chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm. Hiện nay, IAIS có hơn 130 quan sát viên, bao gồm các hiệp hội bảo hiểm, các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, các tổ chức tài chính quốc tế và các chuyên gia tư vấn.
IAIS hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế ban hành chuẩn mực trong lĩnh vực bảo hiểm nhằm thúc đẩy sự ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm và đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm trong nước và quốc tế.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Bảo hiểm ASEAN (AIC). Hiệp hội đã ký biên bản hợp tác với Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản, Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Hàn Quốc, Tổ chức tính phí bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản.
Ngoài ra, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Phát triển văn hóa bảo hiểm nhân thọ Đông Phương (OLIS) của Nhật Bản.
Hàng năm, Hiệp hội phối hợp với các tổ chức trên tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các khóa học cơ bản và nâng cao về bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ trong nước hoặc nước ngoài nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ ngành bảo hiểm, tăng cường và phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế.
Việc tham gia các tổ chức quốc tế và hợp tác với các hiệp hội bạn giúp cơ quan quản lý, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có thêm điều kiện trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm quản lý quốc tế cũng như quảng bá cho thị trường bảo hiểm và đẩy mạnh tiến trình hội nhập của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Hội nhập về sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm
Với gần 1.200 sản phẩm bảo hiểm bán ra thị trường, trong đó có 837 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, 352 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Các sản phẩm bảo hiểm đều được thiết kế tương tự như các sản phẩm bảo hiểm tại các nước phát triển, với các điều kiện, điều khoản bảo hiểm được áp dụng theo các điều khoản, điều kiện chuẩn mà các nước khác đang sử dụng.
Chẳng hạn, bảo hiểm tài sản áp dụng điều khoản chuẩn của Hiệp hội Bảo hiểm Anh, bảo hiểm hàng hoá áp dụng bộ điều khoản chuẩn ICC, bảo hiểm tàu áp dụng bộ điều khoản ITC, bảo hiểm kỹ thuật áp dụng các điều khoản của Munich Re, Swiss Re.
Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đa dạng, từ sản phẩm bảo hiểm bảo vệ tới các sản phẩm bảo hiểm có đủ yếu tố bảo vệ, yếu tố tiết kiệm, yếu tố đầu tư… với điều kiện, điều khoản theo chuẩn quốc tế.
Có thể nói, thị trường thế giới có những sản phẩm bảo hiểm gì thì thị trường Việt Nam đã có gần như đầy đủ các sản phẩm bảo hiểm đó.
Do hội nhập sâu nên phí bảo hiểm cũng chịu sự ảnh hưởng của thị trường nước ngoài. Đối với một số nghiệp vụ có tính liên thông cao như bảo hiểm hàng không, bảo hiểm năng lượng…, rủi ro ở các khu vực thị trường khác gia tăng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ lệ phí bảo hiểm của thị trường trong nước, thông qua việc các nhà nhận tái bảo hiểm điều chỉnh chính sách, hợp đồng tái bảo hiểm khi đàm phán tái tục hợp đồng tái bảo hiểm hàng năm.
Hoạt động tái bảo hiểm cũng có sự hội nhập sâu với thế giới. Các công ty bảo hiểm được tự do lựa chọn nhà nhận tái bảo hiểm đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, phí nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài năm 2015 xấp xỉ 990 tỷ đồng, tăng 171% so với năm 2010, phí nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài xấp xỉ 7.370 tỷ đồng, tăng 78% so với năm 2010.
Các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như giám định, tính toán tổn thất, tư vấn tài chính… từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng tương đối phổ biến thông qua các công ty giám định, công ty tư vấn của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Hội nhập về thị trường: “tây” vào “ta” và “ta” sang “tây”
Đến thời điểm này, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam có 29 công ty bảo hiểm, gồm 2 công ty do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, 18 công ty liên doanh, 9 công ty 100% vốn nước ngoài. Ngoài ra, có 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tại Việt Nam hiện có 18 công ty, trong đó chỉ có 1 công ty Việt Nam, còn lại 17 công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
Ngoài những tập đoàn bảo hiểm lớn từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đài Loan, Hồng Kông…, mới đây Công ty Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai của Thái Lan cùng với Tập đoàn Bảo hiểm AGEAS (Bỉ) và Ngân hàng TMCP Quân đội (Việt Nam) thành lập Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life.
Không chỉ có bảo hiểm gốc, nhiều năm nay, các tập đoàn môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn của nước ngoài như AON, Gras Savoye Willis, Marsh, Jardine Lloyd Thompson… cũng đã thành lập công ty hoạt động tại Việt Nam.
Tận dụng các cơ hội từ hội nhập kinh tế mang lại, một số doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã mạnh dạn “vươn khơi”, đầu tư vào thị trường một số nước trong khu vực.
Đơn cử, Tổng công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã mở 2 liên doanh là Công ty Bảo hiểm Lào Việt (LVI) năm 2008 và Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI) năm 2009. Đến nay, kết quả kinh doanh của các công ty này đều vượt kỳ vọng và được đánh giá là thương hiệu uy tín trên thị trường nước bạn.
Hiện tại, một số công ty bảo hiểm của Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu thị trường nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động ra khỏi lãnh thổ.
Hội nhập về lao động: không chỉ còn là “ta” làm cho “tây”
Dịch chuyển lao động tự do giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cũng như nước ngoài có thêm nguồn nhân lực từ các nước khác. Nếu như trước đây, ở Việt Nam quen với khái niệm “ta" làm thuê cho “tây” thì đến nay, trong nhiều công ty bảo hiểm Việt Nam đã xuất hiện những nhân sự người nước ngoài.
Sự tham gia của nhân sự nước ngoài vào thị trường lao động có kỹ năng của Việt Nam khiến bức tranh lao động trình độ cao của ngành bảo hiểm Việt Nam phong phú hơn, đa dạng hơn, văn hoá công ty cũng có những thay đổi theo hướng đa quốc gia. Điều này rất có lợi cho doanh nghiệp trong môi trường hội nhập toàn cầu.
Được nhiều hơn mất
Hội nhập sâu mang lại cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Những yếu tố tiêu cực có thể là sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn, sự chấm dứt hoặc bị sáp nhập của một số doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ thiếu năng lực cạnh tranh, sự cạnh tranh của lực lượng lao động nước ngoài…
Tuy nhiên, yếu tố tích cực chung cho thị trường sẽ nhiều hơn. Các doanh nghiệp bảo hiểm nội có cơ hội học hỏi từ các tập đoàn bảo hiểm hàng đầu nước ngoài về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, công nghệ.
Những vị trí công việc mà thị trường bảo hiểm Việt Nam còn thiếu và yếu nhân sự như chuyên gia định phí, chuyên gia phân tích rủi ro, chuyên gia đánh giá rủi ro một số chuyên ngành kỹ thuật… thì nhờ hội nhập, cam kết dịch chuyển tự do lao động, sẽ dần bù đắp sự thiếu hụt.
Ngoài ra, sự cạnh tranh bình đẳng với những doanh nghiệp bảo hiểm lớn lớn của khu vực và thế giới sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam “nâng tầm”.
Hội nhập kinh tế Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là “được” nhiều hơn “mất” và ngành bảo hiểm cũng nằm trong xu hướng chung này.
Ngành bảo hiểm đã có những hoạt động hội nhập với thị trường bảo hiểm quốc tế trước khi Việt Nam có chủ trương đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Với đặc thù kinh doanh rủi ro, các công ty bảo hiểm đã có những mối quan hệ hợp tác với các công ty bảo hiểm, thị trường bảo hiểm nước ngoài qua việc chia sẻ rủi ro thông qua hoạt động nhượng, nhận tái bảo hiểm, làm đại lý giám định bảo hiểm cho các tổ chức bảo hiểm nước ngoài khi sự kiện bảo hiểm xảy ra ở Việt Nam.