Là chuyên gia bảo hiểm nhân thọ đã và đang tư vấn miễn phí cho hàng nghìn khách hàng trên toàn quốc gặp sự kiện bảo hiểm mà họ chưa hiểu rõ vì sao lại bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm, bà nghĩ sao về định kiến “nộp tiền mua thì dễ, lấy tiền chi trả ra thì khó”?
Tôi cho rằng, làm gì cũng phải có nguyên tắc và luật pháp. Khi hiểu rõ những nguyên tắc và quy định pháp luật thì lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sẽ không còn định kiến “nộp tiền mua thì dễ, lấy tiền chi trả ra thì khó”. Khách hàng làm đúng theo những gì đã ký kết trong hợp đồng sẽ không gặp khó khăn trong việc đòi quyền lợi.
Chưa kể, sau khi ký hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm nhân thọ nào cũng cho khách hàng thời gian cân nhắc 21 ngày để khách hàng đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Trong thời gian này, nếu khách hàng không muốn mua bảo hiểm nữa thì có thể rút tiền về ngay tức khắc.
Chưa có sự phối hợp đồng bộ và tích cực giữa các công ty bảo hiểm với các cơ sở y tế trên cả nước. Do đó, có những đối tượng cố tình trục lợi bảo hiểm “qua mặt” được các công ty bảo hiểm.
Khách hàng cần hiểu rõ là ngay từ lúc điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ đến lúc sự kiện bảo hiểm xảy ra, nếu khách hàng trả lời không chính xác các câu hỏi trong mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, cố tình giấu bệnh tật hay giấu thói quen lạm dụng chất gây nghiện như rượu bia, ma tuý... thì các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm và không trả lại phí bảo hiểm đã đóng (Prudential là công ty duy nhất trả lại phí bảo hiểm với mục đích quảng bá sự hiểu biết về bảo hiểm nhân thọ đến từng khách hàng Việt Nam).
Khi mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng cần lưu ý, năm đầu tiên không có tiền trong cột giá trị hoàn lại, nghĩa là không được rút tiền phí đã đóng trong năm đầu tiên của hợp đồng.
Cột giá trị hoàn lại được thiết kế bởi nhà toán học Mỹ, ông Elizur Wright (1804-1885), áp dụng trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ từ năm 1880, nhằm bảo vệ khách hàng và hỗ trợ các công ty bảo hiểm giữ vốn đầu tư trung hạn và dài hạn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Giá trị hoàn lại luôn luôn ít hơn tổng phí đóng vào, lý do là không khuyến khích khách hàng huỷ hợp đồng bảo hiểm trước ngày đáo hạn.
Một trong những nguyên tắc quy định trong pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nhân thọ là sự trung thực tuyệt đối. Theo đó, các bên trong hợp đồng bảo hiểm phải đảm bảo tính trung thực khi cung cấp thông tin cũng như trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Nếu pháp luật bảo hiểm không nghiêm minh hay các công ty bảo hiểm hoạt động không có chuyên môn nhất định thì bảo hiểm nhân thọ đâu có thể tồn tại từ thế kỷ 17 đến nay; hơn 500 năm rồi. Do đó, không thể đưa ra quan điểm suy diễn như trên.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ chỉ từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm khi họ có bằng chứng trong tay. Họ không mang tiền riêng của công ty ra chi trả; tiền chi trả là tiền của hàng vạn, hàng triệu khách hàng cùng đóng góp để chi trả cho những khách hàng kém may mắn phải ra đi sớm vì tai nạn hay bị bệnh hiểm nghèo.
Họ từ chối là để bảo toàn tiền đóng góp của một số đông người giúp cho một số ít người kém may mắn, quyết tâm không để tiền đóng góp rơi vào tay những kẻ cố tình trục lợi bảo hiểm.
Tư vấn viên có nhiệm vụ thẩm định sơ bộ vì họ là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, hiểu về khách hàng nhất. Khi phát hiện có trục lợi bảo hiểm, tư vấn viên sẽ bị điều tra nội bộ và phải trả lại tiền hoa hồng đã nhận từ công ty, nghiêm trọng hơn là bị đuổi việc và báo cáo toàn ngành lên Hiệp hội Bảo hiểm.
Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không phải dễ mua, không phải ai cũng có thể mua được nếu không đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe, về tuổi quy định trong từng sản phẩm của các công ty bảo hiểm...
Khách hàng phải tuân thủ luật chơi của bảo hiểm nhân thọ. Nếu không chấp nhận luật chơi thì không nên tham gia.
Khi đã hiểu rõ luật mua bảo hiểm nhân thọ thì sẽ không còn tình trạng than trách, hạ thấp giá trị của tư vấn viên hay công ty bảo hiểm.
Cuộc sống sẽ tốt hơn khi có bảo hiểm nhân thọ vì đây chính là kế hoạch tài chính tốt nhất, giúp an tâm tài chính cho mọi gia đình.
Được biết, trong việc chấp thuận hay từ chối bảo hiểm, thẩm định viên có vai trò quan trọng. Thực tế cho thấy, có trường hợp khách hàng trục lợi bảo hiểm nhưng vẫn nhận được bồi thường. Theo bà, làm thế nào để chi trả bảo hiểm đúng người, đúng việc?
Khi còn làm tại Prudential Việt Nam, tôi luôn tâm niệm tiêu chí của Công ty mẹ Prudential Anh quốc: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ lời hứa về chi trả đúng người, đúng việc với toàn thể khách hàng đã mua bảo hiểm nhân thọ của công ty chúng ta”.
Với thẩm định viên, tôi cho rằng, phải có đầy đủ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm y khoa và cái tâm tốt. Không thể thiếu một trong ba yếu tố trên. Nếu chỉ có tâm tốt mà chưa đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm sống để làm việc có tình, có lý thì cũng khó có thể chi trả bảo hiểm đúng người, đúng việc.
Tại Việt Nam, những công ty bảo hiểm lớn khá tinh tế trong việc chi trả đúng người, đúng việc, dựa trên nguyên tắc chung đó là thẩm định viên phải “tái thẩm định” điều khách hàng chưa kê khai hết để có quyết định cuối cùng. Thậm chí, doanh nghiệp còn lập hội đồng chi trả để giải quyết những trường hợp khó quyết định, có nhiều ý kiến khác nhau và người quyết định cuối cùng luôn là tổng giám đốc.
Có những công ty quảng cáo rằng, “tôi chi trả rất nhiều, chi trả nhanh trong vòng 30 phút”. Chi trả nhanh nhưng phải đúng.
Một số công ty chia sẻ, thẩm định là một trong những khâu được tập trung đầu tư nhằm phòng chống trục lợi bảo hiểm, nhưng đôi khi vẫn rơi vào tình trạng “khó đỡ”. Theo bà, nguyên nhân do đâu?
Tình trạng này một phần là do thị trường bảo hiểm nhân thọ nước ta còn non trẻ, nhân viên chuyên nghiệp còn ít, nhiều người học theo kiểu người đi trước dạy người đi sau, nên hay bị lệch bài. Một bộ phận nhân viên thiếu tinh thần học hỏi. Đặc biệt, thị trường bảo hiểm thiếu chuyên gia kiểm soát chất lượng thẩm định. Prudential Việt Nam từng làm kiểm tra chất lượng thẩm định, thẩm định viên nào yếu kỹ năng thẩm định sẽ được huấn luyện lại để làm việc tốt hơn.
Ngoài ra, chưa có sự phối hợp đồng bộ và tích cực giữa các công ty bảo hiểm với các cơ sở y tế trên cả nước. Do đó, có những đối tượng cố tình trục lợi bảo hiểm “qua mặt” được các công ty bảo hiểm.
Nếu liên kết được các công ty bảo hiểm với mạng lưới y tế trên toàn quốc thì đây sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”. Thị trường bảo hiểm nhân thọ hạn chế được tình trạng trục lợi bảo hiểm, còn ngành y lâm sàng phục vụ bệnh nhân tốt hơn, có trách nhiệm hơn vì các công ty bảo hiểm “soi” bệnh án rất kỹ trước khi quyết định chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.