Dễ sao chép, bắt chước
Thực tế cho thấy, số lượng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ngày càng nhiều và liên tục được các doanh nghiệp cải tiến để phù hợp với nhu cầu của người dân và nền kinh tế - xã hội.
Hiện tại, tổng số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được Bộ Tài chính phê duyệt đang bán trên thị trường là trên 350 sản phẩm. Trong đó, có nhiều sản phẩm được triển khai từ đầu năm 2000 đã được cải tiến nhiều lần.
Khi kênh đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã triển khai các sản phẩm bảo hiểm phi truyền thống như: bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị... để thu hút người có nhu cầu vừa đầu tư sinh lời, vừa bảo vệ rủi ro sự kiện bất ngờ xảy ra.
Từ năm 2014, thị trường bảo hiểm nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đáp ứng nhu cầu có thu nhập khi hết độ tuổi lao động cho người dân không có bảo hiểm xã hội, hoặc bổ sung cho chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2015, các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế mới có thời gian dài hơn, trên 5 năm chiếm trên 95%, đặc biệt có 75% hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 10 năm, 15 năm, 20 năm và suốt đời.
Tổng số tiền bảo hiểm bình quân của 1 hợp đồng bảo hiểm trọn đời là 87,191 triệu đồng, bảo hiểm tử kỳ 108,556 triệu đồng, bảo hiểm sinh kỳ 50,6 triệu đồng, bảo hiểm hỗn hợp 68,161 triệu đồng, bảo hiểm trả tiền định kỳ 15,1 triệu đồng, bảo hiểm đầu tư 347,078 triệu đồng, bảo hiểm hưu trí 102,89 triệu đồng, sản phẩm phụ 45,39 triệu đồng.
Cũng theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt 34.394 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng số lượng hợp đồng khai thác mới đạt 1.039.590 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, doanh nghiệp luôn nỗ lực cải tiến sản phẩm, từ nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm, đến cách thức, phương thức và đội ngũ phân phối sản phẩm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới đội ngũ quản lý, kiểm soát rủi ro, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và ứng xử khi rủi ro xảy ra thông qua xử lý tranh chấp và khủng hoảng truyền thông.
Đồng thời, doanh nghiệp chú trọng bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực để có số lượng và chất lượng ngày một cao hơn, chuyên nghiệp hơn. Yếu tố con người được phát huy sẽ là nhân tố chiến thắng đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dễ bị sao chép, bắt chước lẫn nhau.
Ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ muốn có “đất sống”, có tính cạnh tranh cao phải đáp ứng được nhu cầu số đông của các tổ chức, cá nhân.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải phát huy được quyền lựa chọn của khách hàng để có rủi ro được bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, điều khoản, điều kiện bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, số tiền và phương thức đóng phí bảo hiểm, số tiền và phương thức chi trả bảo hiểm… cho từng lứa tuổi, từng nghề nghiệp, từng vùng miền khác nhau, hoặc ở một phân khúc thị trường nhất định (dành riêng cho một loại đối tượng khách hàng).
Đặc biệt, sản phẩm cần có đặc trưng riêng, mang phong cách thương hiệu của doanh nghiệp bảo hiểm đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên sử dụng công nghệ quản lý rủi ro điều hành kinh doanh và sử dụng kênh phân phối có sự khác biệt, phù hợp với điều kiện hiện có của doanh nghiệp, mà các doanh nghiệp bảo hiểm khác khó có thể triển khai, hoặc nếu triển khai thì cũng bị chậm ít nhất là 1 năm.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc sử dụng các chuyên gia định phí đạt chuẩn cao giúp cho việc tính phí sát với thực tế sẽ tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm, cũng như thu hút người dân tham gia bảo hiểm.
“Trong môi trường cạnh tranh gay gắt và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều hiểu về nhau, dễ bắt chước nhau, để vượt đối thủ, doanh nghiệp cần có thời gian dài chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực, sản phẩm, sẵn sàng đầu tư lớn, chấp nhận chi phí cạnh tranh, chấp nhận rủi ro”, một chuyên gia nói.