Vòng luẩn quẩn
“Để hạn chế tình trạng đại lý bảo hiểm “nhảy việc” từ công ty bảo hiểm này sang công ty bảo hiểm khác khi có những lời mời gọi hấp dẫn hơn, tại sao chúng ta không có quy định cấm chuyển ngang ngay lập tức sang công ty bạn, yêu cầu phải có thời gian ngắt quãng 3 - 6 tháng?”. Đây là đề nghị từng xuất hiện tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, khi tuyển dụng đại lý theo kiểu “mua bán” từng là vấn đề nóng trên thị trường.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, không có thị trường nào có thể cấm chuyện đại lý chuyển công ty, kể cả những thị trường tiên tiến, có cơ quan quản lý kiểm soát rất chặt chẽ như Singapore.
Thực tế, cơ quan quản lý sẽ hạn chế ảnh hưởng của việc cạnh tranh thu hút đại lý bảo hiểm không lành mạnh bằng các quy định có liên quan, như cấm doanh nghiệp trả thêm những khoản đặc biệt cho đại lý từ công ty cùng ngành chuyển sang so với các đại lý hiện tại của mình.
Quy định tương tự như vậy cũng có ở Việt Nam, tuy nhiên rất khó áp dụng vào thực tế vì mỗi đại lý có khả năng hoạt động và công suất khác nhau nên thu nhập cũng có sự chênh lệch rõ ràng.
Theo các chuyên gia trong ngành, dù không vi phạm luật, nhưng các công ty bảo hiểm có chiến lược phát triển lâu dài cần phải cẩn trọng với việc trả những khoản thưởng lớn để “dụ” đại lý từ doanh nghiệp bảo hiểm khác, bởi thông thường, những đại lý thực sự yêu nghề, chuyên nghiệp rất ít khi đổi chỗ làm.
Văn hóa doanh nghiệp mới là yếu tố tạo nên sự gắn kết các thành viên trong công ty một cách bền chặt, dài lâu.
- Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam
Đặc thù của nghề đại lý bảo hiểm là mỗi lần đổi công ty, họ sẽ không thể tiếp tục chăm sóc khách hàng cũ. Bởi vậy, các đại lý chuyên nghiệp nếu có muốn thay đổi môi trường làm việc, cũng sẽ có sự cân nhắc cặn kẽ và chỉ đổi một hai lần trong sự nghiệp của mình. Việc tuyển dụng các đại lý thường xuyên thay đổi công ty thường phục vụ mục đích tăng doanh thu nhanh của doanh nghiệp bảo hiểm trong một thời gian nhất định. Điều này về lâu dài có thể gây hại cho chính doanh nghiệp đi tuyển dụng.
Bên cạnh đó, với những doanh nghiệp bảo hiểm đã có một đội ngũ đại lý hiện hữu tốt, việc thu hút đại lý từ công ty khác về với các điều kiện “ưu đãi” hơn so với mặt bằng chung có thể khiến đại lý hiện hữu đòi thêm quyền lợi, hoặc chán nản và rời khỏi công ty. Đây là một vòng luẩn quẩn cho các công ty bảo hiểm chỉ muốn tuyển dụng đại lý từ công ty khác với chiêu thức đưa ra mức thu nhập cao hơn.
Văn hóa doanh nghiệp
Trong bối cảnh không thể áp dụng các quy định mang tính “ngăn sông cấm chợ” để giải quyết những chiêu thức tuyển dụng không lành mạnh, các công ty bảo hiểm cần phải tính toán và đề ra chiến lược riêng cho mình để thu hút và giữ chân nhân tài.
Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho rằng, công ty bảo hiểm mạnh có thể giữ đại lý bằng nhiều cách. Thu nhập tuy quan trọng nhưng chỉ là một phần để tạo ra sự gắn bó. Bên cạnh việc doanh nghiệp phải có những sản phẩm, dịch vụ tốt để đại lý dễ dàng bán cho khách hàng, yếu tố rất quan trọng khác chính là văn hóa công ty.
“Văn hóa doanh nghiệp mới là yếu tố tạo nên sự gắn kết các thành viên trong công ty một cách bền chặt, dài lâu”, bà Tina nhìn nhận.
Trong khi đó, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về chiến lược phát triển đội ngũ đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp và gắn bó lâu dài, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng nhận định, đây không phải là câu chuyện dễ dàng. Bởi mỗi cá nhân bên cạnh mục tiêu chung của công ty đều có những mục tiêu và động lực riêng. Chính vì vậy, để dung hòa được các lợi ích cá nhân và tập thể, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải có quá trình xây dựng mối liên kết giữa nhân viên và công ty một cách bài bản.