Đến đã khó, ở còn khó hơn
Mỗi ngày gọi cả trăm người may ra mới có mười người đồng ý gặp và từ đó cũng chỉ có 1 đến 2 hợp đồng được ký, đó là ngày may mắn của một đại lý. Nói như vậy để thấy rằng, đại lý/tư vấn bảo hiểm ở Việt Nam không phải là nghề đơn giản.
“Có rất nhiều người làm nghề đại lý/tư vấn bảo hiểm nhưng không phải ai cũng thành công”, cựu CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.
Cho tới thời điểm hiện tại, tuyển dụng đại lý trong ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn là thách thức đối với tất cả các công ty bảo hiểm, bất kể mới hay cũ. Tuyển dụng được đội ngũ đại lý mới đã khó, việc giữ chân người cũ cũng không kém phần nan giải. Tình trạng “câu kéo” đại lý/tư vấn bảo hiểm luôn tồn tại ở thị trường bảo hiểm nhân thọ, từ các công ty mới đang phát triển mạng lưới tới các công ty đã có quá trình hoạt động lâu năm. Đây không còn là câu chuyện quá mới mẻ của thị trường nên các công ty bảo hiểm nhân thọ đều xác định phải “sống chung với lũ”.
Tất nhiên, so với nhiều năm trước, xu hướng tuyển dụng đại lý/tư vấn bảo hiểm ở nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã có những chiến lược mới. Thay vì tuyển dụng đại trà các công ty bảo hiểm đang thực hiện chiến lược “tinh gọn và tinh nhuệ” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý ngay từ khâu tuyển dụng. Đội ngũ này hiện cũng được các công ty bảo hiểm nhân thọ trang bị cho nhiều phương tiện “tác nghiệp” hiện đại, chuyên nghiệp hơn.
Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhìn nhận, đại lý bảo hiểm như những chiến sĩ ngoài tiền tuyến, họ chính là bộ mặt, hình ảnh của công ty trước khách hàng. Do đó, việc xây dựng và phát triển lực lượng đại lý chuyên nghiệp và chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của các công ty bảo hiểm.
“Tất nhiên, để xây dựng được một đội ngũ đại lý như mong muốn không phải là chuyện dễ dàng. Mỗi cá nhân bên cạnh mục tiêu chung của công ty đều có những mục tiêu và động lực của riêng mình. Làm sao dung hòa các quyền lợi để tất cả đều vì một mục tiêu chung đòi hỏi các bộ phận như tuyển dụng đại lý, huấn luyện đại lý, quản lý chất lượng đại lý và ban giám đốc phải cùng phối hợp chặt chẽ cũng như có sự đầu tư thích đáng thì mới có thể tạo được sự đột phá nhất định”, vị tổng giám đốc trên nói.
Là một trong những giám đốc kinh doanh xuất sắc của Hanwha Life Việt Nam, anh Ngô Văn Tài, Giám đốc kinh doanh vùng, phụ trách thị trường Nghệ An - Hà Tĩnh cho rằng, để chinh phục được đỉnh cao của nghề tư vấn bảo hiểm cần cả nội lực bản thân và môi trường để thăng tiến.
Trước khi đến với bảo hiểm, Ngô Văn Tài đã có 7 năm làm việc trong một cơ quan nhà nước, làm dự án của các tổ chức phi chính phủ/ODA và dạy học.
Để vươn lên được vị trí mơ ước của bất kỳ một người nào theo đuổi nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ, anh Ngô Văn Tài đã phải trải qua một chặng đường 11 năm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, kinh qua nhiều vị trí: đại lý bảo hiểm, chuyên viên huấn luyện, chuyên viên huấn luyện cấp cao, trưởng nhóm huấn luyện, giám đốc kinh doanh khu vực và giám đốc kinh doanh khu vực cấp cao.
“11 năm qua là một quá trình không ngừng học hỏi và tích lũy kiến thức và kỹ năng trong kinh doanh, kỹ năng huấn luyện đại lý, quản lý và điều hành kinh doanh… Quan trọng hơn cả là phải xác định làm việc phải có mục tiêu rõ ràng, lập kế hoạch và kiên định thực hiện kế hoạch để đạt được mục tiêu”, anh Tài chia sẻ.
Trong khi đó, Nguyễn Đức Toản, Giám đốc Văn phòng Tổng đại lý AIA NEXT Hà Nội cũng là một trong những tấm gương thành công điển hình trong nghề.
Từng từ bỏ vị trí của một ông chủ phát đạt để bắt đầu từ vị trí đại lý tư vấn bảo hiểm, hành trình đến thành công của anh không bằng phẳng nhưng là minh chứng cho nỗ lực và tài năng của vị giám đốc đầy nghị lực.
Toản cho rằng, nếu đã quyết định theo nghề bảo hiểm, đừng nghĩ đến thu nhập trong 3 năm đầu bởi sự vất vả, thử thách của nghề này dường như không tương xứng với mức lương nhận được khi mới bắt đầu bởi có rất nhiều áp lực tưởng chừng như không thể vượt qua.
Thực tế, đã có rất rất nhiều người đã bỏ cuộc sau một vài thất bại đầu tiên (một chuyên gia trong ngành cho rằng, khoảng 80-90% đại lý/tư vấn viên bảo hiểm bỏ cuộc trong những năm đầu) không phải vì họ không có khả năng mà là vì họ đã tự thuyết phục mình lùi bước và anh Toản cũng chút nữa là nằm trong số đó.
Toản kể, sau một lần tư vấn thất bại, anh đã định vứt tài liệu và bỏ nghề nhưng rồi lý trí đã không cho phép anh bỏ cuộc.
“Nếu mình bỏ cuộc một lần mình sẽ bỏ cuộc thêm nhiều lần nữa”, anh nói.
Thực tế, những thất bại như anh Toản, anh Tài từng gặp không có gì mới mà đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” đối với nghề tư vấn bảo hiểm. Những thất bại như thế không phải chuyện hiếm trong ngành bảo hiểm, khách hàng thường xuyên nói lời từ chối.
Anh Nguyễn Đức Toản nhận định, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, song cũng có rất nhiều rào cản, muốn phát triển được với nghề, phải có kỹ năng chứ không phải là sức mạnh. Thậm chí, đến lúc này, đã có 15 năm trong nghề, anh vẫn thấy như vừa mới bắt đầu vì thử thách luôn chờ đón ở phía trước.