Một số loại cây chỉ hợp trồng bên ngoài bởi chúng nhả CO2 và thu O2. Nếu bày trong phòng kín, chúng sẽ gây hại cho sức khỏe.
Theo GS Ngô Quang Đê, nguyên Chủ tịch Hội sinh vật cảnh, Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, cây cảnh được chia ra cây nội thất và ngoại thất.
Cây ngoại thất là cây không nên đưa vào trong nhà như vạn tuế, lộc vừng, sung. Nếu đưa vào trong nhà, cây không phát triển được, mà còn có hại cho sức khỏe. Ban đêm không có ánh sáng mặt trời để quang hợp, cây nhả CO2 và thu O2, nếu trong một phòng kín sẽ gây thiếu oxy có hại cho đường thở.
Cây nội thất là cây có thể trồng ở trong phòng như thiết mộc lan, trúc nhật, vạn niên thanh, phất lộc, các loại hoa... Về đêm, chúng thu khí CO2 và nhả oxy làm tăng dưỡng khí, điều tiết và làm sạch không khí trong phòng.
Theo chuyên gia, nhiều vật dụng trong nhà phát ra các chất đầu độc, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Các chất này thoát ra từ các vật liệu như cao su, chất dẻo, véc-ni, xăng dầu, chất tẩy rửa, khói thuốc lá, hơi bếp gas.
Khi đó, việc trồng các cây cảnh, hoa trong nhà còn có thể làm cải thiện không khí, hạn chế các ô nhiễm.
Các nhà khoa học từng chỉ ra sau 24 tiếng trong điều kiện luôn luôn có ánh sáng, một cây lô hội khử được đến 90% forrnaldehyd trong một mét vuông không khí. Cũng trong điều kiện đó dây thường xuân hấp thu 90% và cây bồng bồng hấp thu 79% benzen.
Do đó, trồng cây cảnh trong nhà là cần thiết nhưng cần phải biết đó là loại cây nội thất hay ngoại thất để tận dụng những lợi ích của chúng đồng thời tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Mặt khác, bạn còn cần chú ý yếu tố hợp lý (hợp với phòng to, hay nhỏ), màu sắc hài hòa. Điều này đảm bảo sự thông thoáng, tránh gây cảm giác tù túng, chật chội.
Dựa trên nguyên tắc đó, bạn có thể cân nhắc một số loại cây được cho là đem về may mắn, tài lộc như:
- Mai: Mai vàng nở rộ tượng trưng cho sự sung túc ấm áp. Chọn đặt mai trang trí Tết, cần chọn hình thức như gốc chắc chắn, tỷ lệ hoa nụ cân đối, lá non hoặc đỏ biếc, mật độ vừa phải.
Chậu mai bày Tết trong nhà không quá to hoặc quá bé, tạo cảm giác hài hòa, cân bằng, ấm cúng, phù hợp với không khí những ngày đầu năm.
- Đào: với sắc đỏ thắm tượng trưng cho sự may mắn, đầy đủ. Cách bài trí cũng tương tự như mai.
- Quất: Cây quất trong quan niệm dân gian còn là biểu tượng sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên. Khi chọn quất, ngoài dáng cây đẹp, nên chọn cây đủ tứ quý gồm quả vàng, quả xanh, nụ trắng, lá chồi.
Nếu định để cây ở vị trí trung tâm, bạn nên chọn cây quất cân đối và không được để cho một phía nào của cây bị lép.
- Cây lộc vừng: là cây mang lại may mắn về tài lộc. Màu đỏ của hoa lộc vừng tượng trưng cho hỷ sự, đặc biệt, khi cây nở hoa đỏ rực sẽ mang lại nhiều tài lộc, may mắn và niềm vui cho gia chủ.
Để mang lại tài lộc may mắn, bạn nên trồng cây tài lộc trước sân nhà, và trồng ở vị trí thoáng đãng để cây có nhiều điều kiện phát triển tốt nhất.
- Cây vạn niên thanh: Dùng vạn niên thanh trong ngày lễ, Tết là ngụ ý sung túc tốt đẹp. Tuy nhiên, bạn không nên trồng vạn niên thanh trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ vì cây có chất độc, khi vô tình bị nhựa cây dính vào mắt, da sẽ gây bỏng rát, nhất là trẻ nhỏ.
- Hoa đồng tiền: là biểu tượng của mùa xuân. Chúng có khả năng lọc khí độc trong không khí rất tốt, đặc biệt là benzen - có mặt trong nhiều loại sơn.
- Hoa đỗ quyên: có tác dụng hóa giải khí xấu nơi ban công, đồng thời mang đến nhiều vận may cho gia chủ.