Doanh thu từ các thị trường này được ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ vừa qua. Ở những thị trường mà bancassurance được biết đến như là một kênh phân phối quan trọng cũng đang đóng góp khoảng 20% thu nhập ròng cho các ngân hàng.
Nếu so sánh với tổng doanh thu trên thị trường, doanh thu của bancassurance ở Việt Nam quả thực còn rất khiêm tốn. Năm 2015, tỷ trọng doanh thu từ kênh này trong tổng doanh thu của khối nhân thọ chưa đầy 5%.
Dù doanh thu phí khai thác của bancassurance tại thị trường Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhưng kênh phân phối không còn quá mới mẻ này được nhìn nhận sẽ là kênh có thể mang lại tăng trưởng đột biến cho các doanh nghiệp bảo hiểm và ngày càng nhiều công ty bảo hiểm nỗ lực để phát triển kênh này.
Kể từ sau khi ra đời, bancassurance phát triển khá chậm nhưng vững chắc và bây giờ đã trở thành kênh phân phối quan trọng thứ hai, sau kênh đại lý, của các công ty bảo hiểm nhân thọ.
“Kênh đại lý cũng phải mất đến 10 năm mới có được những thành tựu như ngày hôm nay. Bancassurace đang ở những bước đi đầu tiên, nhưng đang có rất nhiều yếu tố thuận lợi”, lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.
Tất nhiên, để phát triển bancassurance nhanh như các thị trường đã nói ở trên, không phải là vấn đề đơn giản. Vẫn còn khá nhiều rào cản cho sự bùng nổ của kênh phân phói này, chẳng hạn như văn hóa giao dịch tiền mặt ở Việt Nam còn phổ biến, các ngân hàng đang tái cơ cấu…
Bancassurance ở Việt Nam hiện tại vẫn được coi là một kênh phụ, nhưng đối với một số công ty bảo hiểm, chẳng hạn như Prudential, AIA Việt Nam, Generali Việt Nam hay Manulife, đây lại là kênh phân phối quan trọng, đóng góp đáng kể về mặt doanh thu lẫn hiệu suất kinh doanh của công ty.
Manulife Việt Nam hiện đang tập trung đơn giản hóa quy trình bán hàng, đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ cho các nhân viên của công ty và ngân hàng, ra mắt công cụ bán hàng dựa trên nhu cầu của khách hàng, thay vì chỉ bán sản phẩm công ty có…
Được biết, tập trung đẩy mạnh bancassurance không chỉ là một trong những chiến lược quan trọng của Manulife tại Việt Nam, mà còn là chiến lược của châu Á.
Tháng 4/2015, Manulife đã được Ngân hàng DBS chọn là đối tác chiến lược độc quyền tại bốn thị trường lớn là Singapore, Hồng Kông, Indonesia và Trung Quốc. Tháng 9/2015, Manulife cũng đạt được thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered và trở thành nhà cung cấp độc quyền Quỹ Tiết kiệm bắt buộc tại Hồng Kông. Cả hai đều là những thỏa thuận hợp tác dài hạn trong vòng 15 năm.
Nhìn nhận về tương lai của kênh phân phối này, một chuyên gia trong ngành chia sẻ rằng, trước đây không lâu, một công ty tư vấn uy tín đã dự đoán rằng, bancassurance không thể phát triển ở Việt Nam trong một thời gian ngắn được. Nhưng, thực tế, chúng ta lại đang chứng kiến một bối cảnh vô cùng khác: bancassurance đã trở thành một kênh phân phối vô cùng cần thiết.
“Ngành ngân hàng còn khá non trẻ tại Việt Nam nên kênh phối qua ngân hàng chỉ mới nổi lên trong khoảng cuối thập kỷ vừa rồi. Kể từ sau khi ra đời, bancassurance phát triển khá chậm nhưng vững chắc và bây giờ đã trở thành kênh phân phối quan trọng thứ hai, sau kênh đại lý, của các công ty bảo hiểm nhân thọ”, vị chuyên gia trên nhìn nhận.
Với việc giảm lợi nhuận từ lãi suất, nhiều ngân hàng đã bắt đầu nhận ra bancassurance chính là một giải pháp để bổ sung cho nguồn thu nhập. Thỏa thuận dài hạn chính là mối quan hệ hợp tác có lợi cho cả ngân hàng và các công ty bảo hiểm.
Các công ty bảo hiểm từ đó có thể tiếp cận các khách hàng trung thành của ngân hàng, sử dụng mạng lưới rộng khắp của ngân hàng để thúc đẩy việc phân phối và gia tăng thị phần trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh như hiện nay. Mặt khác, chiến lược này còn có thể hỗ trợ các ngân hàng phát triển, tạo động lực cho ra đời những ý tưởng bán lẻ mới, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng của ngân hàng.
Điều này thúc đẩy một vài ngân hàng với chiến lược thả trôi việc hợp tác các đối tác bảo hiểm nhân thọ trong khi một số khác sẽ chọn con đường độc quyền. Sự thành công của những mối quan hệ hợp tác trong thời gian sẽ giúp các ngân hàng đi đến quyết định hợp tác độc quyền trong năm 2016 này.
Quan trọng hơn, theo các chuyên gia trong ngành này, khi Bộ Tài chính tập trung và có những can thiệp tích cực vào sự phát triển và mở rộng các kênh phân phối tại Việt Nam. Đây chính là một bệ phóng lớn thúc đẩy bancassurance trở thành một kênh phân phối thay thế chủ lực cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.