Hầu hết mọi người ai cũng đã, đang hay sẽ gặp phải một số sai lầm trong các quyết định đầu tư. Nếu biết rõ xu hướng hành động của mình, bạn sẽ dễ dàng hơn để nhận biết vấn đề và rút kinh nghiệm.

Những sai lầm này có thể mang lại lợi nhuận trong tương lai khi mà chúng ta biết vận dụng nó để đưa ra những quyết định đầu tư và kinh doanh đúng đắn hơn, dù cho chúng khiến ta mất nhiều tiền vào lần đầu tư đầu tiên. Cũng như lời khuyên của bố mẹ, phải qua trải nghiệm bản thân chúng ta mới thực sự rút ra được bài học. Tuy nhiên nếu biết rõ xu hướng hành động của mình, sẽ dễ dàng hơn cho mỗi người trong việc nhận biết vấn đề cũng như rút ra được bài học kinh nghiệm. Dưới đây là 10 sai lầm chúng ta hay mắc phải khi đầu tư.

1. Bị phần thưởng làm mờ mắt

Bị mờ mắt bởi khoản lợi nhuận có thể xảy ra của một khoản đầu tư có thể khiến bạn lạc lối, bởi lợi nhuận cũng đi kèm rủi ro. Khi nghe người ta nói về vụ đầu tư với cổ tức đáng kinh ngạc, hoàn trái khổng lồ hay lợi nhuận tuyệt vời ta có thể lao ngay vào đầu tư mà không xem xét các rủi ro kèm theo. Lời khuyên là bạn nên thường xuyên dừng lại một chút và cân nhắc xem tại sao lợi tức của khoản đầu tư lại cao như vậy, rồi mới quyết định có đáng hay không khi chấp nhận rủi ro như thế chỉ để đổi lấy một phần thưởng phù du.

2. Thiếu kiên nhẫn

Thiếu kiên nhẫn chính là điều đã giết chết nhiều nhà đầu tư khôn ngoan. Không đợi giai đoạn suy thoái qua đi hoặc giả định cổ phiếu đang trong giai đoạn đáng giá nhất và bán nó quá sớm, dù đó là khoản đầu tư ổn định, có thể khiến bạn thấy hối tiếc. Ví dụ, một nhà đầu tư từng đầu tư vào cổ phiếu của Tập đoàn khách sạn Hilton. Nhà đầu tư này đã mua cổ phiếu với giá 10 USD. Khi cổ phiếu chạm mốc 14 USD và duy trì mức giá này trong vài tháng, ông đã mất niềm tin dù vẫn biết rằng cổ phiếu này là một sự đầu tư vững chắc. Lúc đó ông không cần tiền nhưng lại trở nên mất kiên nhẫn và bán tháo cổ phiếu, thu về lợi nhuận. Vài năm sau, cổ phiếu Hilton được mua lại với giá 40 USD một cổ phiếu. Sự thiếu kiên nhẫn thắng thế, nhà đầu tư mất một khoản lớn.

3. Nhỡ tàu

Bỏ lỡ một khoản đầu tư hấp dẫn có thể khiến bạn thất vọng và bực mình vì không lên kịp chuyến tàu. Thay vì coi nó như một bài học kinh nghiệm và tìm kiếm một khoản đầu tư mới, bạn có thể lại chọn cách đuổi theo và nhảy lên khi mà tất cả đều nhảy xuống khỏi “tàu”. Trong khi những người khác kiếm được lợi nhuận để bỏ túi thì bạn chỉ nắm được cái túi mà thôi.

4. Bong bóng vỡ

Bong bóng vỡ khiến nhiều nhà đầu tư mất những khoản tiền lớn. Không nhận thấy đúng lúc sự sụp đổ của một khoản hay một lĩnh vực đầu tư có thể khiến bạn rơi vào thế bấp bênh. Trong suốt thập kỷ qua, những lĩnh vực như bất động sản và công nghệ đã cho chúng ta thấy bong bóng vỡ nguy hiểm đến mức nào. Khi người ta nói một khoản đầu tư nào đó an toàn hay chắc chắn để bỏ tiền vào, ý kiến hay là bạn nên đặt câu hỏi về tính đúng đắn của những lời khuyên như thế. Hãy nhớ, một việc quá tốt để có thể thành hiện thực thì có thể nó không tốt đến thế thật!


5. Ảnh hưởng của số đông

Hào hứng với một khoản đầu tư thì không khó. Khi mọi người xung quanh nói với bạn về một khoản đầu tư tuyệt vời ra sao, họ đang kiếm được bao nhiêu từ nó, một cơ hội thật khó khăn để từ chối. Tuy nhiên, như với bong bóng vỡ, đám đông dẫn bạn tới hồ nước cũng có thể dẫn bạn đến bờ vực khi bạn đưa ra quyết định đầu tư của mình. Nghe theo số đông thay vì cảm nhận của chính mình có thể là một sai lầm trong đầu tư và bạn sẽ tự đá mình ra khỏi đường.

6. Đầu tư mang màu sắc cá nhân

Dường như các doanh nghiệp lớn không hiểu bạn, và các công ty dầu khí thì tăng giá mỗi khi bạn định bơm xăng, nhưng cẩn trọng, việc đầu tư mang màu sắc cá nhân có thể là một sai lầm lớn. Bạn đưa ra quyết định đầu tư dựa trên sở thích cá nhân hay vì sự tức giận về mất mát của mình chỉ khiến bạn thêm giận dữ, hậu quả từ những quyết định đầu tư không dựa vào các thông tin xác thực và các kinh nghiệm đầu tư đúng đắn.

7. Đầu tư miễn cưỡng

Một vài người thấy rằng họ không thể ngừng suy nghĩ về những khoản đầu tư vì nỗi lo sợ mất tiền. Dù những quyết định đầu tư của họ có thể là đúng đắn, họ vẫn không thể thôi trằn trọc, ám ảnh về một thực tế rằng khoản tiền đầu tư đang gánh chịu một rủi ro nào đó. Các khoản đầu tư đôi khi không giá trị đủ với những nỗi sợ hãi mà nó mang lại, và với một số người, một khoản đầu tư hiển-nhiên-rủi ro có thể coi là một sai lầm vì chúng là nguyên nhân của sự bất an họ gánh chịu.

8. Kỳ vọng quá cao

Kỳ vọng quá cao vào một khoản đầu tư có thể dẫn đến những quyết định không sáng suốt. Thường bị ảnh hưởng bởi các nhà phân tích Phố Wall hay các chuyên gia tư vấn tài chính, nhiều người không còn thỏa mãn với lợi nhuận thu được là 4 hay 5% (tại thị trường Mỹ), trên các khoản đầu tư của mình. Khi không ngừng được dẫn dắt để tin rằng lợi nhuận 8, 9 hay 10% là bình thường, người ta sẽ kỳ vọng quá cao và từ đó các quyết định đầu tư, đầu tư vào đâu và đầu tư bao nhiêu tiền, sẽ bị thiên lệch đi.

9. Vốn đầu tư thấp

Nhiều khi không phải là chúng ta không đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, chúng ta làm đúng, chỉ là ta không đầu tư đủ tiền để khiến quyết định đó trở nên giá trị. Mua 10 cổ phiếu đáng giá khi nó mới ở mức 10 USD một cổ phiếu, dù có đầu tư thành công thì cũng không mang lại khác biệt gì lớn cho danh mục đầu tư của bạn.


10. Làm việc nào trước, đầu tư hay giảm nợ

Đôi khi ta mắc sai lầm trong đầu tư giống như việc “cầm đèn chạy trước ô tô” vậy. Việc đầu tư, dù cho có tạo ra lợi nhuận cao hơn thì cũng đồng nghĩa với việc gánh chịu nhiều rủi ro hơn bình thường. Dù một khoản đầu tư tạo lợi nhuận 10% mỗi năm, nhưng lãi suất thẻ tín dụng của bạn với cùng số tiền đó lại là 20%, thì quyết định đầu tư của bạn có thể chưa phải một quyết định khôn ngoan.

 Tài Chính Thế Giới

 
Top