Khi nghĩ về những vấn đề liên quan đến cân bằng giữa cuộc sống và công việc, ta có thể liên tưởng đến một thuật ngữ được biết đến với tên gọi Lý thuyết 4 bếp lò.
T1: Sống là phải biết chấp nhận đánh đổi, bạn chọn gia đình, bạn bè hay sức khỏe, công việc?
T2: Tại sao giữa tình yêu và sự nghiệp ta khó thể có cả 2 chứ?
T3: Gia đình, bạn bè hay sức khỏe, công việc, bạn giữ ngọn lửa nào?
T4: Bạn có thích sống một cuộc đời không cân bằng nhưng có thành tích cao trong một lĩnh vực nào đó? Hay bạn thà sống một cuộc đời cân bằng nhưng chẳng bao giờ phát huy hết được tiềm năng của bản thân trong một thứ gì đó bạn thích?
Khi nghĩ về những vấn đề liên quan đến cân bằng giữa cuộc sống và công việc, ta có thể liên tưởng đến một thuật ngữ được biết đến với tên gọi: Lý thuyết 4 bếp lò.
Tưởng tượng cuộc đời bạn được đại diện bởi một chiếc bếp với 4 lò lửa trên đó. Mỗi lò biểu tượng hóa cho một góc quan trọng trong cuộc đời bạn:
● Lò lửa đầu tiên đại diện cho gia đình.
● Lò lửa thứ hai đại diện cho bạn bè.
● Lò lửa thứ ba đại diện cho sức khỏe.
● Lò lửa thứ tư đại diện cho công việc.
Lý thuyết 4 bếp lò cho rằng: Để có thể thành công, bạn buộc phải loại bỏ 1 trong những lò lửa trên. Và để có thể thực sự thành công thì bạn phải loại bỏ 2 lò lửa..
Phản ứng đầu tiên của tôi về lý thuyết này đó là tìm cách né tránh nó. Tôi phân vân liệu “mình có thể thành công mà vẫn giữ được 4 lò lửa này cháy không?” thay vì loại bỏ ít nhất một trong số chúng.
Có lẽ, tôi có thể kết hợp 2 lò lửa. “Sẽ thế nào nếu tôi nhóm gia đình và bạn bè vào một lò?”
Có lẽ tôi có thể kết hợp sức khỏe và công việc. “Tôi nghe nói ngồi cả ngày không hề tốt cho sức khỏe. Tôi đứng làm việc trên một chiếc bàn cao được không nhỉ?”
Tôi biết bạn đang nghĩ gì rồi nhé. Tin rằng bạn sẽ khỏe mạnh bởi vì đã mua một chiếc bàn "vừa đứng vừa làm" cũng giống như tin rằng mình là một kẻ nổi loạn vì đã phớt lờ yêu cầu thắt dây an toàn trên máy bay.
Chẳng mấy chốc, tôi nhận ra mình đang cố gắng tạo ra vô số “đường vòng” chỉ bởi vì không muốn đối mặt với vấn đề thực sự: Sống là phải chấp nhận đánh đổi. Nếu muốn thành đạt trong công việc và trở thành ông bố/bà mẹ mẫu mực thì bạn sẽ phải đánh đổi bạn bè và sức khỏe. Nếu muốn khỏe mạnh và trở thành những ông bố, bà mẹ tốt thì bạn sẽ buộc phải bớt cầu tiến và hoài bão trong sự nghiệp. Hiển nhiên, bạn được tự do phân chia thời gian của mình một cách công bằng cho tất cả 4 lò lửa này nhưng bạn phải chấp nhận rằng bạn sẽ không bao giờ đạt tới thành công mỹ mãn trong bất kỳ một lĩnh vực nào cả.
Về cơ bản, chúng ta buộc phải lựa chọn. Bạn có thích sống một cuộc đời không cân bằng nhưng có thành tích cao trong một lĩnh vực nào đó? Hay bạn thà sống một cuộc đời cân bằng nhưng chẳng bao giờ phát huy hết được tiềm năng của bản thân trong một thứ gì đó bạn thích?
Vậy thì cách tốt nhất để kiểm soát những vấn đề liên quan đến cân bằng giữa công việc và cuộc sống là gì? Sau đây là 3 lựa chọn về Lý thuyết 4 bếp lò mà bạn có thể tham khảo:
Lựa chọn 1: "Thuê ngoài" giữ lửa
Chúng ta luôn sử dụng rất nhiều nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ cuộc sống của mình. Chúng ta mua thức ăn nhanh để chẳng phải nấu đồ ăn. Chúng ta đi tới tiệm giặt là để tiết kiệm thời gian giặt quần áo. Chúng ta ghé cửa hàng sửa chữa xe để không phải tự sửa những phương tiện đi lại của mình.
Sử dụng "dịch vụ thuê ngoài" trong cuộc đời cho phép bạn tiết kiệm thời gian và dành nó cho những việc khác. Bạn có thể áp dụng ý tưởng này cho một góc trong cuộc đời và giải phóng thời gian để tập trung cho 3 lò lửa còn lại?
Công việc là một ví dụ. Đối với nhiều người, công việc là "lò lửa nóng nhất trên bếp". Đó là nơi mà họ dành hầu hết thời gian và cũng là lò lửa cuối cùng bị tắt. Về lý thuyết, các doanh nhân và những người làm kinh doanh có thể giữ lò lửa này bằng cách thuê nhân viên về làm cho họ.
Nuôi dạy con là một ví dụ khác. Những ông bố bà mẹ quay cuồng trong công việc thường buộc phải thuê ngoài "lò lửa gia đình" bằng cách đưa con cái của họ tới nhà trẻ hoặc thuê một người trông trẻ ở nhà. Gọi điều này là "thuê ngoài" dường như không công bằng – nhưng giống như ví dụ về công việc ở trên – các bậc cha mẹ phải trả tiền cho một người khác để "lò lửa" này của họ hoạt động trong khi họ sử dụng thời gian để làm những việc khác.
Thuận lợi của "thuê ngoài" đó là bạn có thể giữ cho các lò lửa hoạt động mà không cần dành thời gian của bạn cho chúng. Không may rằng, đặt bản thân ra khỏi những "lò lửa" thuộc về mình cũng là một bất lợi. Đa phần các doanh nhân, nghệ sĩ và các nhà sáng tạo mà tôi biết đều cảm thấy nhàm chán và không có mục đích nếu họ chẳng làm việc mỗi ngày. Các bậc phụ huynh mà tôi biết đều muốn dành thời gian cho con cái hơn là gửi chúng tới nhà trẻ.
Bạn có thể sử dụng nguồn lực khác để giữ lửa cho bếp của mình, nhưng ngọn lửa cháy như vậy thì còn có ý nghĩa không?
Lựa chọn 2: Chấp nhận những giới hạn
Lý thuyết 4 bếp lò khiến bạn nghĩ đến tiềm năng chưa được khai thác của bạn. Bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng “giá mà tôi có nhiều thời gian, tôi có thể kiếm nhiều tiền, có được vóc dáng đẹp hoặc dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”.
Một cách để kiểm soát vấn đề đó là dừng việc ước có nhiều thời gian hơn lại, hãy tận dụng tối đa thời gian mà bạn có. Hay nói cách khác, hãy chấp nhận thời gian hạn hẹp của mình. Bạn cần tự hỏi bản thân xem có thể làm việc thế nào khi thời gian bị giới hạn?
Chẳng hạn:
- Giả sử tôi chỉ làm việc ngày 8 giờ, tôi có thể kiếm được nhiều tiền nhất có thể bằng cách nào?
- Giả sử tôi chỉ có thể viết 15 phút mỗi ngày, tôi có thể viết xong cuốn sách nhanh nhất bằng nào?
- Giả sử tôi chỉ có thể tập thể dục 3 tiếng/tuần, tôi có thể sở hữu vóc dáng thon gọn nhất bằng cách nào?
Việc này sẽ đẩy sự tập trung của bạn hướng tới một thứ gì đó tích cực (tận dụng tốt nhất những gì bạn có) hơn là hướng tới điều tiêu cực (lo lắng về việc chưa bao giờ có đủ thời gian). Hơn nữa, những giới hạn được đặt ra một cách có chủ ý thực sự có thể giúp bạn cải thiện năng suất.
Hiển nhiên, cũng sẽ có những bất lợi nhất định. Chấp nhận giới hạn có nghĩa bạn đang hoạt động ở mức thấp hơn tiềm năng thực sự của bạn. Có nhiều cách để “làm việc thông minh thay vì chăm chỉ hơn” nhưng thật khó để tránh được thực tế rằng bạn tiêu xài thời gian cho điều gì mới là quan trọng. Nếu đầu tư nhiều thời gian cho sức khỏe hoặc mối quan hệ hay sự nghiệp thì bạn có khả năng sẽ nhìn thấy những kết quả được cải thiện ở khu vực đó.
Lựa chọn 3: Mùa của cuộc sống
Cách thứ ba để quản lý 4 bếp lò của bạn đó là hãy tách cuộc sống của bạn thành mùa. Thay vì lúc nào cũng tìm kiếm một sự cân bằng hoàn hảo giữa công việc và cuộc sống, bạn có thể phân chia cuộc sống thành 4 mùa và mỗi mùa chỉ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể.
Tầm quan trọng của các lò lửa có thể sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời. Khi bạn ở độ tuổi 20 hoặc 30 và chưa có con thì đi đến phòng tập gym và cháy hết mình cho công việc sẽ dễ dàng hơn. Lúc này, lò lửa sức khỏe và công việc cháy hết công suất.
Một vài năm sau đó, bạn có thể bắt đầu có gia đình và đột nhiên lò lửa sức khỏe dần nhỏ lửa trong khi lò lửa gia đình lại có nhiều năng lương hơn.
10 năm tiếp theo trôi qua và bạn có thể làm sống lại các mối quan hệ với bạn bè cũ hoặc theo đuổi một ý tưởng kinh doanh mà bạn đã từng bỏ dở.
Bạn không cần phải từ bỏ giấc mơ mãi mãi nhưng cuộc sống hiếm khi cho phép bạn giữ cho tất cả các lò lửa cháy rực cùng lúc. Có lẽ bạn cần buông bỏ một thứ gì đó ở một thời điểm nhất định. Bạn có thể làm cho chúng cháy trong cuộc đời mình nhưng không phải tại cùng một lúc. Giống như Nathan Barry từng nói: “Hãy toàn tâm toàn ý với mục tiêu bằng mọi thứ bạn có - trong một mùa".
Lý thuyết 4 bếp lò tiết lộ một sự mâu thuẫn mà tất cả mọi người buộc phải đối mặt: Không một ai thích bị nói rằng họ không thể có tất cả, nhưng ai cũng sẽ bị giới hạn về thời gian và sức lực. Mọi sự lựa chọn đều phải trả giá.