Tài sản của Warren Buffett hiện đã hơn 70 tỉ USD, nhưng ông vẫn thường không sống “xứng tầm” với con số đó – và nhiều người Mỹ giàu có khác cũng... tương tự.
Bộ phim tài liệu “Trở thành Warren Buffett” vừa được phát sóng trên HBO gần đây cho thấy Buffett, CEO của tập đoàn Bershire Hathaway, ăn sáng mỗi ngày tại McDonald’s. Mỗi sáng, ông yêu cầu vợ dành ra 2,61, 2,95 hoặc 3,17 USD để ông ăn sáng. “Khi tôi cảm thấy mình không ‘giàu’ lắm, tôi có thể ăn với mức 2,61 USD, đủ cho 2 miếng xúc xích rán và một ly coca-cola”, ông nói trong bộ phim. Hiện ông vẫn sống trong căn hộ 5 phòng ngủ mà ông từng mua với giá 30.000 USD hồi năm 1958 ở Ohama.
Ông không phải là người giàu duy nhất sống như thế: “Người giàu không trở nên giàu có bằng cách xài ‘thả ga’. Họ biết rõ hơn ai hết rằng bằng cách mua sắm cẩn thận hơn, họ có thể tăng được vài bậc trong chiếc thang thu nhập”, Pam Danziger, một chuyên gia nghiên cứu về thị trường giàu có và cũng là nhà sáng lập của Unity Marketing, công ty chuyên giúp các thương hiệu kết nối tốt hơn với khách hàng giàu có, nói.
Có một vài lý do khiến nhiều người giàu chọn lối sống rẻ tiền. Một vài người trong số họ là tỉ phú tự thân và phải trải qua nhiều năm tằn tiện trước khi trở nên giàu có. “Sự tằn tiện tạo nên thói quen”, Scott Tucker, chủ tịch và là người sáng lập công ty tài chính Scott Tucker Solutions ở Chicago, lý giải.
Những người khác thì sợ rằng tài sản không phải là thứ “vĩnh cữu”, vì thế họ không tiêu xài nhiều. Theo một khảo sát của công ty YouGov hồi năm 2015, điều này đặc biệt đúng với nhóm 10% những người có thu nhập cao nhất.
Trong cuộc suy thoái, giống như nhiều người Mỹ, nỗi sợ khiến cho họ tăng tiết kiệm, giảm chi tiêu và tái cơ cấu ngân sách gia đình, trở nên có tài xoay sở và độc lập hơn khi đánh giá và thực hiện những việc mua sắm quan trọng. Theo thời gian, nỗi hoảng loạn đã nhường chỗ cho việc áp dụng những điều này vào thói quen mua sắm của họ.
Dĩ nhiên, người giàu hiện xài nhiều. Chỉ trong năm 2015, dân giàu đã tăng 6,6% chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ - phần lớn là do họ tăng chi tiêu vào du lịch, ăn tiệm, các phương tiện giải trí tại nhà và xe hơn, YouGov cho thấy.
Tuy nhiên, nhiều người trong số họ rất tằn tiện. và đây là 5 thống kê chứng minh cho điều đó.
Họ đi quanh thành phố bằng xe Ford
Đúng là hiện có nhiều người Mỹ giàu có đi xe BMW, nhưng nhiều người vẫn lái những chiếc xe khiêm tốn hơn nhiều. Dữ liệu thống kê hồi tháng 8/2016 của Edmunds.com, một website về xe hơi, cho thấy rằng loại xe phổ biến nhất trong những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm là Ford F-Series, tiếp theo sau đó là Jeep Grand Cherokee và Jeep Wranger. Lexus RX và BMW X5 chỉ đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5. “Sẽ luôn có sự quan tâm cho thị trường xe siêu sang, nhưng nhìn chung hầu hết những người giàu có nhất đều tìm kiếm các chiếc xe ‘thường thường’ để phục vụ cho các việc hàng ngày giống như những người khác”
Những nghiên cứu khác cho thấy một sự ưa thích tương tự dành cho các loại xe khiêm tốn trong giới giàu: trong số 10 thương hiệu xe phổ biến nhất ở các khu giàu có nhất của Mỹ thì phân nửa là không phải hạng sang. Những loại xe thường thấy là Honda Accord, Toyota Camry, Honda CR-V, Volkswagen Jetta và Toyota Prius.
Bạn sẽ thấy họ ở các lối đi của Wal-Mart...
Theo một cuộc khào sát dành cho 1.200 nhà đầu tư siêu giàu do trang web thông tin tài chính Millionaire Corner tiến hành, 1/3 người có tài sản ròng hơn 5 triệu USD nói rằng họ mua sắm ở Wal-Mart, gần phân nửa cho biết họ mua sắm tại Costco, và hơn 4/10 là mua sắm tại Target.
...và trả tiền tại các cửa hàng đồng giá 1 USD
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu NPD công bố hồi tháng 7, nhiều người mua sắm tại các cửa hàng đồng giá 1 USD kiếm được 100.000 USD/năm hoặc hơn.
Dữ liệu cho thấy trung bình người giàu có mua sắm tại các cửa hiệu đồng giá 1 USD khoảng 1 lần/tháng (dù công bằng mà nói thì những người có thu nhập thấp hơn thường đến đó hơn).
Sử dụng nhiều phiếu giảm giá
Diễn viên triệu phú Kristen Bell cho biết cô là một người “nghiện” phiếu giảm giá. Phiếu giảm giá yêu thích của cô là Bed Bath và Beyond Coupon. Và cô không phải là người giàu duy nhất làm thế. Một cuộc khảo sát dành cho hơn 8.000 người mua sắm vào năm 2010 do trang Deals.com cho thấy những người kiếm được hơn 100.000 USD thật ra có thể là những người dùng phiếu giảm giá nhiều hơn so với những người kiếm được ít hơn.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu của trường John Davis Norton, thuộc đại học Arizona, 1/4 người mà thường dùng 6 phiếu giảm giá trở lên trong mỗi lần mua sắm là người giàu có. “Họ không dùng phiếu giảm giá vì những bức bách tài chính mà vì họ xem chúng là cách giúp họ tiết kiệm tiền”, Anita Bhappu, một giáo sư trong nhóm nghiên cứu, cho biết.
Họ dùng thu nhập của mình làm từ thiện ít hơn những nhóm khác
“Người giàu không phải là những người rộng rãi nhất. Người thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ dành thu nhập khả dụng của mình làm từ thiện nhiều hơn so với người giàu có”, một nghiên cứu được xuất bản trong Chronicle of Philanthropy kết luận. Nghiên cứu này thấy rằng trong khi những hộ gia đình kiếm được từ 50.000 – 75.000 USD dành trung bình 7,6% thu nhập khả dụng của họ làm từ thiện, thì những hộ gia đình kiếm được từ 100.000 USD trở lên chỉ dành có 4,2% cho từ thiện.