Somalia và ba quốc gia khác đang cần trợ giúp khẩn cấp để ngăn 20 triệu người khỏi chết vì đói khát và bệnh tật, khiến Liên Hợp Quốc phải kêu gọi thế giới hỗ trợ khẩn cấp.
Stephen O'Brien, quan chức phụ trách vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc, cho biết, đầu năm 2017, thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 1945. Hiện tại, có tới hơn 20 triệu người ở bốn quốc gia là Yemen, Nam Sudan, Somalia và đông bắc Nigeria đang có nguy cơ chết đói nếu không được sự hỗ trợ của thế giới.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, tại Somalia, có hơn 6 triệu người – quá nửa dân số - đang cần hỗ trợ thực phẩm để tồn tại. Hạn hán, nạn đói và sự lộng hành của nhóm khủng bố Al-Shabaab khiến người dân quốc gia châu Phi nghèo khó này lâm vào cảnh tuyệt vọng.
Mogadishu Noor Ibrahim, một cư dân chạy trốn sự quê nhà đi cầu xin sự giúp đỡ, cho biết: “Tình hình ở Somalia rất nghiêm trọng. Người dân thiếu cả thực phẩm và nước uống. Khủng bố Al-Shabaab chặn đường, khiến viện trợ lương thực không tới được nhiều khu vực. Sau đó, những kẻ khủng bố Al-Shabaab cướp đồ ăn”.
Liên Hợp Quốc cũng cho biết nạn đói ở Nam Sudan đẩy 7,5 triệu người vào tình cảnh chờ chết. Tại Đông bắc Nigeria, 120.000 đang ngóng chờ viện trợ từ Liên Hợp Quốc trong khi tại Yemen, số người có nguy cơ chết đói đã vượt con số 7 triệu.
Tình hình nghiêm trọng buộc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ cho những phận đời đang bị bỏ rơi trong đói nghèo. Ông Guterres cũng nhấn mạnh “nghĩa vụ đạo đức” cần thực hiện để giải quyết tình hình, vốn ngày càng trở nên phức tạp hơn khi nạn đói và dịch bệnh cùng hoành hành.