Thành Long thừa nhận tuổi trẻ ngang dọc tiêu xài tới bến khó ai qua được ông. Nhưng khi về già, tài tử lừng lẫy của điện ảnh Hong Kong mới hiểu giá trị đồng tiền.
Thành Long là "đại ca" trong ngành điện ảnh Hong Kong với những thành tích khó ai vượt qua. Người dân xứ Cảng thơm 10 người thì 9 người biết về "Lưỡng Châu Nhất Thành" (Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát và Thành Long).
Tuy nhiên so với hai đồng nghiệp còn lại, Thành Long sở hữu khối tài sản lớn hơn nhiều. Ông là nghệ sĩ duy nhất châu Á thành công cả ở nghiệp diễn và kinh doanh.
Tại sự kiện hôm 17/3 tổ chức ở Thượng Hải, Thành Long mô tả về hành trình trưởng thành của bản thân theo cách độc đáo. “Từ một thời ngang dọc lột xác trở thành người tiết kiệm cả giấy vệ sinh”, ông nói.
Tự nhận 'nhà giàu mới nổi, không có học'
Tờ Sina từng đưa ra ước tính Thành Long nắm giữ khối tài sản khoảng 300 triệu USD. Sau hơn 50 năm “ăn cơm nghệ thuật” với khoảng 200 đầu phim, ngôi sao võ thuật màn ảnh Trung Quốc tự hào ngày càng "tử tế hơn".
Thành Long thừa nhận ông may mắn so với những đồng nghiệp khác khi có những kịch bản hay và thành công sớm. “24 tuổi, tôi đã nổi tiếng. Đó là giấc mơ với bất kỳ ai”, tài tử thổ lộ.
Nhưng cũng vì sớm nổi tiếng, thù lao ngất ngưởng nên Thành Long tiêu xài vô độ và sống trác táng. “Tôi là người ít học, điểm học luôn thấp nhưng chỉ trong một đêm, tôi có thể kiếm được 10 triệu HKD (hơn 28 tỷ đồng). Tôi nghĩ cho bản thân nhiều kế hoạch để tiêu xài sao cho thỏa chí”, siêu sao hành động kể.
Ngày đó, về khoản mua sắm, showbiz Hong Kong khó ai vượt qua Thành Long. Diễn viên Câu chuyện cảnh sát sẵn sàng sắm cho mình chiếc đồng hồ 500.000 HKD (1,3 tỷ đồng) vào thập niên 1980 chỉ vì vui. Tên tuổi của Thành Long gắn liền với mác “ông hoàng mua sắm triệu USD”.
“Nghĩ lại, tôi tự xếp mình vào top những kẻ nhà giàu mới nổi, không có học. Khi xưa, mới có tiền, tôi sống cảnh làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Mỗi ngày tôi đổi một chiếc đồng hồ hạng sang, hàng tuần thay siêu xe”, ông thú nhận.
Tiết kiệm đến kỳ quái
Thành Long thổ lộ sự thay đổi lớn đến với ông sau khi tham gia các hoạt động từ thiện. Đó là quá trình chuyển đổi ý thức một cách từ từ, chậm rãi nhưng chắc chắn.
“Có lần khi quay phim ở xa, tôi thấy một nhóm bé gái đứng xếp hàng vài tiếng đồng hồ, hóa ra là chờ chúng tôi uống xong bình nước. Các cô bé sau đó lại tốn vài tiếng để đổ đầy bình", ông kể.
"Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ biết nước lại quý giá đến thế. Những gì các bé mang về chỉ là bình nước bẩn, đầy cặn. Vậy đấy, có bao nhiêu người trong chúng ta đã lãng phí nước?”, Thành Long thẳng thắn đặt câu hỏi.
Sau này, ông vua võ thuật luôn tự răn bản thân phải tiết kiệm nước đến tối đa. Theo ông, đây cũng là cách bảo vệ môi trường. Những người đóng phim cùng Thành Long đều biết chuyện sao nam ngoài lục tuần bị chê “tiết kiệm đến kỳ lạ”.
Đối với chuyện này, Thành Long không hề phủ nhận. “Tôi cùng Phùng Tiểu Cương, Trương Quốc Lập đi vệ sinh cũng tiết kiệm ba người cùng vào và chỉ xả nước một lần. Nếu mỗi lần đi lại một lần xả là quá lãng phí”, ông nói.
Con trai Thành Long - Phòng Tổ Danh - từng chia sẻ: “Tôi không thích ở nhà với cha. Vì chỉ cần ông ở nhà, ngay cả chuyện đi vệ sinh cá nhân cũng trở nên bất tiện. Mỗi lần, ông chỉ cho tôi dùng hai mẩu giấy vệ sinh mà thôi”.
Tài tử Kung Fu Yoga khi nghe vậy lại đánh giá con trai ngày trước chưa hiểu chuyện. Điều khiến ông vui mừng là hai năm nay, sau khi ra tù, Phòng Tổ Danh đã trưởng thành và trở thành con người khác.
“Tôi từng cúi mặt quét nhà, trong khi con trai thản nhiên chơi điện tử. Có nhắc thì cháu chỉ nhấc chân lên cho có. Nhưng giờ cháu đã tốt nghiệp đại học rồi. Mỗi lần về nhà, tôi đều thấy hài lòng. Tôi thấy con trai hàng năm nên theo học trường đại học xã hội như vậy”, Thành Long vui mừng kể trong sự kiện hôm 17/3.
"Trong mười mấy năm tới, nếu Phòng Tổ Danh thể hiện được bản lĩnh, tôi sẽ chuyển toàn bộ tài sản còn lại cho con. Nhưng nếu con trai thích mang tiếng thiếu gia giàu có thì chắc chắn một xu cũng khó”, ông nhấn mạnh.
Nam diễn viên 63 tuổi cho biết ông vừa tổ chức buổi triển lãm giới thiệu những đạo cụ, thiết bị làm phim cũ được ông lưu giữ tại kho. Thành Long không vứt bất kỳ thứ gì trong những năm qua vì tin rằng sẽ có ngày “phế phẩm được phục chế, sống lại trở thành kiệt tác nghệ thuật”.