Người xưa nói quả không sai: "Cố quá thành quá cố". Không chỉ trí óc thuyên giảm, năng suất thụt lùi mà còn rất nhiều các hậu quả khác sẽ xuất hiện nếu bạn "dính" với phòng làm việc trong thời gian quá lâu.

Làm việc chăm chỉ nhưng không được đánh giá cao? Đừng vội bực mình, là vì bạn đã bỏ qua 5 lý do này

Làm việc càng lâu thì năng suất càng giảm 

Thói quen làm từ “bình minh cho đến hoàng hôn” từ xa xưa đã khá phổ biến trong giới lao động. Thế nhưng, theo một nghiên cứu của Henry Ford vào năm 1926, quan niệm trên cần được thay đổi.

Henry Ford cho rằng, con người nếu chỉ làm 8 tiếng một ngày và 5 ngày một tuần thì năng suất làm việc sẽ cao hơn. Và cũng nhờ phát hiện “gây bão” ấy, chính phủ đã quyết định điều chỉnh lại luật lao động. Qua đó, làm thêm giờ thì phải được thêm lương.

Đồng thời, nhiều nghiên cứu của quân đội Mỹ cũng chứng minh rằng mất ngủ hay làm việc quá lâu sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, về khả năng học hỏi và suy nghĩ. Vì vậy, nếu bạn là một trong những người ở lại văn phòng lâu nhất thì hãy cẩn thận bởi năng suất và khả năng tư duy của bạn có thể bị hao mòn dần.

Việc thăng tiến không dựa trên số giờ bạn làm việc 

Người ta hay nói: “Nếu tôi thật sự chăm chỉ ở lại văn phòng mỗi tối, nếu tôi bận rộn cả ngày mà không tán chuyện như bao người thì sẽ có ngày sếp chú ý đến tôi”. Để rồi về sau, khi đến đợt tuyển chọn thăng chức, tôi sẽ là cá nhân được lựa chọn. Rất tiếc, nếu đây là suy nghĩ của bạn thì bạn sai rồi!

Thắc mắc ư? Bởi ông chủ bạn có thể sẽ nghĩ: “Anh này chăm chỉ đây, tôi đánh giá rất cao cống hiến của anh nhưng làm nhiều như vậy để làm gì? Trong khi đó, lý do gì mà cô kia làm đủ giờ mà kết quả vẫn ngang anh? Cô ấy có vẻ quản lý thời gian tốt hơn và làm được nhiều thứ trong chuẩn thời hạn cho phép. Cô ấy sẽ đảm đương được nhiều trọng trách vĩ đại. Đấy mới là ‘ngôi sao’ tôi cần”.

Đúng thế, số giờ làm việc không hề quan trọng với cấp trên.

Tốt bụng quá cũng có hại

Bạn luôn nghĩ sự giúp đỡ tỷ lệ thuận với lòng kính trọng của đồng nghiệp? Thật ra, đôi khi họ tìm đến chỉ đơn giản vì bạn không biết từ chối.

Chính vì thế, hãy biết nói không với những thứ vô bổ mà vẫn giữ được sự tinh tế. Giống như Warren Buffet từng nói: “Sự khác nhau giữa người thành đạt và người cực kỳ thành đạt là những người cực kỳ thành đạt thường nói không với hầu hết mọi chuyện”.

Làm không nghỉ chẳng khiến người xung quanh bạn thêm ngưỡng mộ

Chúng tôi gọi những người này là “dân nghiền công việc”. Họ chẳng thèm nghỉ trưa vì quá ám ảnh với các loại công văn, giấy tờ. Mặt khác, họ thấy mọi ông chủ thích thế nên lại cố gắng.

Xin đừng tự làm khổ mình, bởi ngay cả những đầu óc thông minh nhất thế giới còn cần phải nghỉ ngơi. Ví dụ như Winston Churchill luôn ngủ mỗi buổi trưa . Nhờ thói quen ấy, ông làm mọi thứ trơn tru hơn. Các Tổng thống Kennedy, Johnson va Reagon cũng đều ngủ trưa. Thậm chí, Kennedy ăn trưa trên giường để ngủ ngay sau đó. John D. Rockefeller ngủ trưa ngay trong văn phòng mình.

Ngoài ra, một số cá nhân khác còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hay vui chơi giải trí. Vậy mới thấy, thư giãn không khiến hình ảnh bạn tệ hơn mà chúng còn là một việc cần thiết giúp bộ não giải tỏa căng thẳng.

Mất nhiều thời gian tự làm mọi việc tức là bạn đang tự cô lập mình

Công ty nào cũng sẽ xuất hiện kiểu người với cách làm việc: Để dự án được hoàn thiện chuẩn xác, họ quyết định tự mình làm mọi thứ. Họ kiểm soát mọi chi tiết, từ đầu tới cuối. Họ không thể tin tưởng giao việc cho bất kỳ ai. Cầu xin sự giúp đỡ sẽ khiến họ trở nên yếu đuối.

Một lần nữa, nếu những điều trên giống tính cách của bạn thì “mệt mỏi” và “suy nghĩ tiêu cực” sẽ là những điều bạn được nhận lại. Cấp dưới cho rằng bạn, một ông sếp cứng nhắc, không tin tưởng họ trong khi cấp trên sẽ thấy bạn chẳng phải một nhà điều hành tài ba. Rõ ràng, nếu bạn muốn gây ấn tượng với ai, hãy loại phương án này trước nhất.

Diệp Nguyễn

Theo Trí Thức Trẻ/Theo Lifehack
 
Top