“Giống với hầu hết những người bắt đầu khởi nghiệp, tôi không am hiểu gì về kinh doanh và đã thất bại đến 3 lần nhưng vẫn cố gắng làm lại từ đầu”, nhà quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ - James Altucher chia sẻ.
James Altucher là nhà quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ và cũng là ông chủ, đồng sáng lập hơn 20 công ty trong đó có công ty cổ phần Reset và StockPickr. Ông cho biết, bản thân đã mắc không ít sai lầm trong kinh doanh như từ chối mua lại 20% cổ phần của Google.
“Sau mỗi lần thất bại tôi lại rút ra được những bài học xương máu, à thì ra cái này phải làm như thế, muốn thành công thì phải biết đến thủ thuật này… Vì thế tôi muốn chia sẻ với những ai đang có ý định khởi nghiệp về những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Bởi vì có đến 99% người muốn thành lập công ty và kinh doanh nhưng lại chẳng hiểu biết gì về lĩnh vực này”, James Altucher nói.
Dưới đây là 10 định hướng phát triển tư duy thành công theo James Altucher:
1. Có tầm nhìn lớn nhưng thực hiện từng bước nhỏ
Nếu muốn khởi nghiệp bằng con đường tạo lập website thì phải lập trình được cơ sở dữ liệu, thiết kế đồ họa, tối ưu hóa trang web và hoàn thiện từng bước, từng bước một.
Không nên hấp tấp, vội vã trong kinh doanh mà ngược lại phải nghiên cứu và nắm vững mọi kế hoạch để thực hiện hóa một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tầm nhìn vĩ mô là điều mà mọi lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có để đuổi kịp những doanh nghiệp lớn hơn.
2. Làm việc chăm chỉ và ủy thác công việc
Làm việc chăm chỉ là yếu tố đầu tiên cần phải có nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Tuy nghiên, điều đó không đồng nghĩa là phải ôm đồm tất cả mọi công việc. Đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo thì càng phải có kỹ năng quản lý, sắp xếp và phân bổ công việc phù hợp cho từng nhân viên.
“Khi tôi nhận ra bản thân không thể hoàn thành mọi công việc thì đó là điều thay đổi lớn nhất cuộc đời. Tôi có thể thuê nhân viên và trở thành lãnh đạo của họ. Sau đó tôi thấy rằng bản thân chỉ làm việc 90 giờ mỗi tuần mà có thể đạt được thành quả giống như làm việc trong khoảng 300 giờ đồng hồ vậy”.
3. Hứa hẹn công việc
Muốn được bàn giao một công việc gì đó thì phải đảm bảo hoàn thành hiệu quả. Đó là lý do vì sao cần phải hứa hẹn đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, đã hứa được thì phải làm được điều đó bằng mọi cách để đảm bảo trách nhiệm và uy tín của cá nhân hoặc doanh nghiệp.
Thậm chí, nếu có thể thì nên hoàn thành công việc được bàn giao vượt mức chỉ tiêu để khẳng định năng lực của bản thân và có được sự tín nhiệm của đối tác. Điều này cũng tương tự như những chương trình khuyến mãi trong kinh doanh để thu hút khách hàng và tăng tính cạnh tranh với các đối thủ khác.
4. Đa dạng hóa
Nghe thì có vẻ khó hiểu nhưng có thể ví dụ như đa dạng hóa trong nghề nghiệp để tăng thêm thu nhập. Đồng nghĩa với việc bạn có thể làm nhiều công việc cùng một lúc, vừa làm lập trình viên máy tính nhưng lại có thể mở đại lý, cửa hàng kinh doanh.
Trong kinh doanh có thể đa dạng hóa bằng mọi cách để thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Còn đa dang hóa doanh nghiệp thì nhà lãnh đạo luôn phải làm mới sản phẩm, khiến sản phẩm của mình mở rộng trên thị trường và được công chúng đón nhận.
5. Nắm vững quy tắc bán hàng
Khi bắt đầu khởi nghiệp, kỹ năng bán hàng của James Altucher là một con số không tròn trĩnh. Ông nhận thấy bản thân cần phải nâng cao kỹ năng này vì thế đã tìm đến một cuốn sách về kĩ năng thuyết phục và bán hàng.
James nghĩ nó rất hữu ích với 3 quy tắc bán hàng cơ bản. Đó là phải yêu sản phẩm, đặt bản thân vào vị trí của khách hàng (nhằm tìm kiếm mặt bằng chung) và lắng nghe ý kiến, nhu cầu của khách hàng. Giải quyết được vấn đề của khách hàng cũng chính là giải quyết được vấn đề sản phẩm của doanh nghiệp.
6. Yêu nghề
Chỉ có sự đam mê và yêu thích công việc mới giúp bạn thúc đẩy tư duy giải quyết vấn đề, đọc được suy nghĩ của khách hàng. Nhưng cũng phải làm rõ giữa yêu nghề và yêu doanh nghiệp. Yêu thương doanh nghiệp có nghĩa là tạo ra giá trị để doanh nghiệp phát triển vững mạnh nhưng lại có thể bán đi bất cứ lúc nào nếu nó đem lại lợi nhuận lớn nhất cho người đầu tư.
Minh chứng điển hình cho việc buôn bán công ty giúp nhiều doanh nhân trở thành tỷ phú như Mark Cuban, người đã bán công ty phần mềm đầu tiên của mình là Audionet trước khi thành lập Broadcast.com. Hay như tỷ phú Elon Musk đã bán Zip2 và sau đó là cả Paypal trước khi tạo nên những “đứa con cưng” là Tesle và SpaceX.
7. Không bao giờ tức giận
Mặc dù phải đối mặt với cơn tức giận của rất nhiều người từ khách hàng, đối tác, nhân viên đến đối thủ cạnh tranh nhưng nên nhớ tuyệt đối không được tức giận. Những quyết định sai lầm được đưa ra trong lúc tức giận sẽ gây ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn.
8. Hãy nói đồng ý và không
Đầu tiên là phải nói đồng ý với tất cả những điều làm được. Chẳng hạn như khi khách hàng hỏi bạn có thể làm X chứ? Vâng. Bạn có thể làm Y không? Vâng. Bạn có thể làm X một cách tiết kiệm hơn Y không? Có. Và bạn sẽ có được công việc.
Tuy nhiên, cần phải nói không trong trường hợp không bằng lòng với đàm phán và thương lượng của khách hàng. Đưa ra ý kiến của mình và thỏa thuận để đạt được lợi nhuận.
9. Không lãng phí
Càng tiết kiệm được nhiều thì sẽ càng giảm được nguy cơ phải đối mặt với tình trạng suy thoái. Tiết kiệm không bao giờ là ngu ngốc bởi nó sẽ giúp bạn trở thành người giàu có nhanh hơn.
10. Vui vẻ
Đừng nghĩ rằng thế giới kinh doanh là sự cạnh tranh khốc liệt đến tàn bạo. Phát triển kinh doanh không phải là ngọn lửa hủy diệt thế giới mà ngược lại, nó làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế một thái độ vui vẻ khi gặp nhân viên, đối tác hay khách hàng sẽ mang lại những lợi thế bất ngờ cho người kinh doanh.